QUY ĐỊNH THẨM DUYỆT THIẾT KẾ PCCC - P2

Đ. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC LIÊN QUAN TRONG THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PCCC

1. Trách nhiệm của chủ đầu tư:

1.1. Điều 16 Luật PCCC quy định về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình như sau:

1. Chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn phòng cháy và chữa cháy của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.

Trong quá trình thi công công trình, nếu có thay đổi thiết kế thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được duyệt lại.

2. Trong quá trình thi công công trình, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

3. Trong quá trình sử dụng công trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra, duy trì các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.

1.2. Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

Trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới:

a) Lập dự án thiết kế theo đúng quy định, tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định này. Trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt. Trường hợp trong quá trình thi công nếu có sự thay đổi về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được thẩm duyệt lại.

c) Tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Đối với các cơ sở quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện phải thông báo với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

đ) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình trong suốt quá trình xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

2. Trách nhiệm của đơn vị tư vấn dự án và giám sát thi công:

Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư trong việc thực hiện các nội dung về phòng cháy và chữa cháy theo cam kết trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn.

3. Trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế:

Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

a) Thiết kế bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy; chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thiết kế trong thời gian xây dựng và sử dụng công trình.

b) Thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công xây lắp công trình.

c) Tham gia nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

4. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng:

Khoản 4 Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

a) Thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt.

b) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý của mình trong suốt quá trình thi công đến khi bàn giao công trình.

c) Lập hồ sơ hoàn công; chuẩn bị các tài liệu và điều kiện để phục vụ công tác nghiệm thu và tham gia nghiệm thu công trình.

5. Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt dự án và cơ quan cấp giấy phép xây dựng:

Khoản 5 Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

a) Cơ quan phê duyệt dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, trước khi phê duyệt thì tùy từng dự án, công trình phải có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, văn bản chấp thuận địa điểm xây dựng, văn bản về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

b) Cơ quan cấp giấy phép xây dựng, trước khi cấp giấy phép có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư xuất trình giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

6. Trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy:

Khoản 6 Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

a) Xem xét, trả lời về giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế quy hoạch, hồ sơ thiết kế cơ sở; chấp thuận địa điểm xây dựng công trình; thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

b) Kiểm định thiết bị, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng.

c) Kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.

E. THẨM QUYỀN THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PCCC

1. Khoản 8 Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

Bộ Công an quy định về phân cấp thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; hướng dẫn nội dung và trình tự thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

2. Khoản 5 Điều 7, Thông tư số 66/2014/TT-BCA quy định về Phân cấp thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy như sau:

a) Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư); dự án, công trình có chiều cao từ 100m trở lên; tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ; tàu thủy chuyên dùng để vận chuyển hành khách có chiều dài từ 50m trở lên, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ có trọng tải toàn phần từ 1.000 tấn trở lên; dự án đầu tư xây dựng công trình do Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư đề nghị;

b) Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền.

F. KINH PHÍ THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PCCC

1. Khoản 9, Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ Công an quy định việc thu và sử dụng phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án, công trình và phương tiện giao thông cơ giới.

2. Thông tư 150/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính quy định cụ thể:

Điều 2. Người nộp phí

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định phải nộp phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Cơ quan thu phí

Cơ quan thu phí là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy gồm:

1. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Công an và Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được xác định theo công thức sau:

Phí thẩm duyệt  =   Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt  x   Mức thu

Trong đó:

- Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt trong dự án.

- Mức thu được quy định tại các Biểu mức thu phí I, II, III kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp tổng mức đầu tư dự án có giá trị đầu tư nằm giữa các khoảng giá trị dự án ghi trên Biểu mức thu phí I, II và III kèm theo Thông tư này thì  mức thu phí được tính theo công thức sau:

Trong đó:

- Nit là phí thẩm duyệt thiết kế của dự án thứ i theo quy mô giá trị cần tính (đơn vị tính: %).

- Git là quy mô giá trị của dự án thứ i cần tính phí thẩm duyệt thiết kế (đơn vị tính: giá trị dự án).

- Gia là quy mô giá trị cận trên quy mô giá trị cần tính phí thẩm duyệt thiết kế (đơn vị tính: giá trị dự án).

- Gib là quy mô giá trị cận dưới quy mô giá trị cần tính phí thẩm duyệt thiết kế (đơn vị tính: giá trị dự án).

- Nia là phí thẩm duyệt cho dự án thứ i tương ứng Gia (đơn vị tính: %).

- Nib là phí thẩm duyệt cho dự án thứ i tương ứng Gib (đơn vị tính: %).

3. Mức thu phí thẩm duyệt phải nộp đối với một dự án được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, mức tối thiểu là 2.000.000 đồng/dự án và tối đa là 150.000.000 đồng/dự án.

4. Đối với trường hợp cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình, hạng mục công trình; phương tiện giao thông cơ giới được hoán cải thì mức phí thẩm duyệt bằng 40% mức thu phí thẩm duyệt lần đầu.

5. Đối với trường hợp dự án có thay đổi tổng vốn đầu tư thì tính phí thẩm duyệt được xác định trên cơ sở phần vốn đầu tư bổ sung.

Điều 5. Thời điểm nộp phí

Thời gian nộp phí thẩm duyệt là từ thời điểm nộp đủ hồ sơ đề nghị thẩm duyệt đến thời điểm nhận kết quả thẩm duyệt, theo giấy hẹn của cơ quan thẩm duyệt, cụ thể như sau:

1. Đối với dự án thiết kế quy hoạch tỷ lệ 1: 500: Thời gian nộp phí từ thời điểm nộp đủ hồ sơ đề nghị thẩm duyệt đến khi cơ quan thẩm duyệt có văn bản trả lời về giải pháp phòng cháy và chữa cháy, theo giấy hẹn.

2. Đối với hồ sơ thiết kế dự án, công trình và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy:

a) Đối với hồ sơ thiết kế dự án, công trình có 1 bước thiết kế và phương tiện giao thông cơ giới: Người nộp phí phải nộp toàn bộ số phí thẩm duyệt trong thời gian từ thời điểm nộp đủ hồ sơ thiết kế đến trước khi được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; theo giấy hẹn.

b) Đối với hồ sơ thiết kế có từ 2 bước thiết kế trở lên: Người nộp phí phải nộp 30% số tiền phí thẩm duyệt phải nộp theo quy định, trong thời gian kể từ khi nộp đủ hồ sơ thiết kế cơ sở đến trước khi cơ quan thẩm duyệt có văn bản trả lời về giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở; nộp số tiền phí còn lại (70%) trong thời gian kể từ thời điểm nộp đủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế bản vẽ thi công) đến trước khi được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, theo giấy hẹn.

Điều 6. Tổ chức thu, nộp và quản lý sử dụng

1. Phí thẩm duyệt là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước.

2. Cơ quan thu phí được trích để lại 80% trên tổng số tiền phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trang trải cho các nội dung:

a) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định). Chi làm thêm giờ cho công chức, viên chức thực hiện thẩm duyệt và thu phí theo quy định.

b) Chi văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.

c) Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho thực hiện thẩm duyệt và thu phí; khấu hao tài sản cố định để thực hiện thẩm duyệt, thu phí.

d) Chi mua sắm, thiết bị làm việc, vật tư và nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện thẩm duyệt và thu phí;

e) Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ trực tiếp thực hiện công việc trong đơn vị theo hướng dẫn của pháp luật phí, lệ phí.

3. Cơ quan thu phí nộp 20% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

4. Các nội dung liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí thẩm duyệt không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 hướng dẫn in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

G. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC LIÊN QUAN

1. Khoản 6, Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

Dự án, công trình không thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng vẫn phải thiết kế bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy nhưng không bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

2. Khoản 4, Điều 7 của Thông tư số 66/2014/TT-BCA quy định:

Dự án, công trình chỉ cải tạo một phần, nếu không ảnh hưởng đến điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy của dự án, công trình đó thì chỉ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với phần cải tạo.

3. Khoản 6, Điều 7 của Thông tư số 66/2014/TT-BCA quy định về Xử lý chuyển tiếp như sau:

a) Đối với dự án, công trình quy định tại Phụ lục 3a Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 46/2012/NĐ-CP) thuộc danh mục dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP đã được cơ quan quản lý xây dựng, chủ đầu tư tự thẩm định, phê duyệt thiết kế và đã tổ chức thi công về phòng cháy và chữa cháy trước ngày Nghị định số 79/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì cơ quan quản lý xây dựng, chủ đầu tư tiếp tục nghiệm thu và chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình;

b) Đối với dự án, công trình quy định tại Phụ lục 3a Nghị định số 46/2012/NĐ-CP thuộc danh mục dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP đã được cơ quan quản lý xây dựng, chủ đầu tư tự thẩm định, phê duyệt thiết kế nhưng chưa tổ chức thi công về phòng cháy và chữa cháy sau ngày Nghị định số 79/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì chủ đầu tư phải trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy để thẩm duyệt theo quy định;

c) Đối với dự án, công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy mà chưa thi công hoặc đang thi công về phòng cháy và chữa cháy, nếu có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới về phòng cháy và chữa cháy thì chủ đầu tư tiếp tục tổ chức thi công theo hồ sơ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt. Trong trường hợp này, căn cứ vào tình hình thực tế, chủ đầu tư có thể áp dụng các giải pháp điều chỉnh phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới được ban hành.

H. XỬ LÝ VI PHẠM LIÊN QUAN THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PCCC

Điều 36 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công, xây dựng công trình.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thiết kế hệ thống phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc diện phải có thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào sử dụng không đảm bảo một trong các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Thi công, lắp đặt không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt;

b) Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy;

b) Chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khắc phục các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều này;

b) Buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này../.

Sản phẩm

popup

Số lượng:

Tổng tiền: